Nếu chỉ biết đến Lê Quang Liêm là kỳ thủ cờ vua sở hữu bộ sưu tập cúp vàng, HCV trong nước và quốc tế khủng nhất Việt Nam thì hẳn bạn chưa ghi nhận hết những nỗ lực, khổ luyện của anh từ năm lên 7 tuổi đến nay. Để ghi tên mình lên đỉnh của làng cờ vua thế giới, chàng trai TP Hồ Chí Minh đã dành cả tuổi thơ của mình cho những bài khai cuộc, tàn cuộc. Vậy hãy cùng chúng tôi nhìn lại đôi nét tiểu sử VĐV Lê Quang Liêm cũng như sự nghiệp và đời tư của anh chàng tài năng này nhé!
Thông tin chung
Tên thật (Tên đầy đủ) | Lê Quang Liêm |
Năm sinh | 13/3/1991 |
Quê quán/Nơi sinh | TP. Hồ Chí Minh |
Nghề nghiệp | VĐV Cờ vua |
Danh hiệu | Đại kiện tướng |
Thành tích | Vô địch châu Á: 2019 Vô địch châu Á, cờ chớp: 2013 Vô địch Aeroflot mở rộng: 2010, 2011 Vô địch Thế giới nội dung cờ chớp: 2013 Vô địch SPICE Cup: 2011, 2015 Vô địch HD Bank Cup mở rộng: 2013, 2015, 2017 Vô địch World Open: 2019 Vô địch Final Four (cùng đội cờ Webster): 2014, 2015, 2016 Vô địch Kolkata mở rộng: 2009 Vô địch Khu vực 3.3: 2015 SEA Games 2011: huy chương vàng cờ tưởng, cờ nhanh Vô địch U14 thế giới: 2005 Vô địch AIMAG: 2017 Sea Games 2021: HCV đồng đội cờ nhanh,cờ chớp |
Gia đình/vợ/chồng | Vợ: Nguyễn Trần Thanh Trúc |
Thông tin liên hệ | Đang cập nhật |
Mạng xã hội | Facebook: https://www.facebook.com/lequangliemoff/ |
Lê Quang Liêm và chuyện về cậu học trò dám cãi lại lời thầy
Lê Quang Liêm sinh ngày 13 tháng 3 năm 1991, quê quán tại thành phố Hồ Chí Minh. Sinh ra trong một gia đình thành đạt, Liêm có vô vàn lựa chọn để theo đuổi trong tương lai.
Nếu không theo đuổi sự nghiệp cờ vua hẳn Lê Quang Liêm sẽ trở thành một nhà nghiên cứu hoặc một doanh nhân thành đạt. Nhưng rồi Liêm lại bén duyên với nghiệp cờ vua một cách rất tình cờ.
Người anh trai Lê Quang Long lúc đó hẳn cũng không ngờ anh lại trở thành người thầy đầu tiên của một Đại kiện tướng cờ vua trong tương lai – kỳ thủ có đẳng cấp cao nhất trong lịch sử cờ vua Việt Nam. Chỉ sau vài tháng chỉ dẫn, Long nhận ra anh không thể đánh bại cậu em mình được nữa. Gần như cứ mỗi lần xuất quân là Long lại thua.
Thấy con trai có hứng thú với những quân cờ, bố mẹ Liêm quyết định đăng ký cho anh theo học CLB cờ vua tại TP HCM.
“Từ bé tôi đã rất thích ngồi bên bàn cờ để đọ sức với các đối thủ, nên năm bảy tuổi, tôi đã xin bố mẹ theo học cờ vua. Cờ vua có sức hút đặc biệt và bất cứ ai theo nó cũng đam mê, không thể nào bỏ được. Ngay từ lúc mới biết cờ vua, tôi đã có giấc mơ một ngày nào đó sẽ là kỳ thủ số một thế giới.”, Lê Quang Liêm chia sẻ.
Kể từ đó, tài năng của Liêm ngày càng nở rộ. Tuổi thơ của Liêm là những ngày tháng gắn liền với bàn cờ, với những bài khai cuộc, tàn cuộc, chứ chẳng phải những buổi trưa hè dạo chơi công viên, hòa mình trong sự hồn nhiên và vui thú cùng chúng bạn.
Các HLV tại TP HCM không ngờ họ lại sớm có một cậu bé tiểu học sẵn sàng thách thức những người đàn anh như Từ Hoàng Thông, Đào Thiên Hải.
Có thời điểm, quá nôn nóng đào tạo Liêm trở thành một Đại kiện tướng cờ vua trong tương lai, các thầy bảo Liêm cố dẹp hết mọi cảm xúc nếu muốn trở thành VĐV chuyên nghiệp. Cho dù gia đình có người thân mới mất, họ cũng phải tập trung thi đấu, giành chiến thắng rồi mới làm tròn chữ hiếu.
“Nếu phải làm như các thầy nói thì con không làm kỳ thủ chuyên nghiệp đâu“, cậu nhóc Liêm lúc ấy đã khiến các HLV bất ngờ vì dám cãi lời thầy.
“Con đọc Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu, thấy Tiên đang đi thi biết tin mẹ mất thì khóc đến mức hai mắt lòa đi không nhìn được gì nữa. Con muốn học theo Lục Vân Tiên, phải tròn chữ hiếu với cha mẹ mới làm nên sự nghiệp. Con không muốn làm kỳ thủ nữa đâu“.
Cả gian phòng lặng đi trong giây lát vì câu trả lời của cậu học trò nhỏ. Ngay ở lứa tuổi mà những đứa trẻ khác chỉ biết nghe lời người lớn, Liêm đã có suy nghĩ của riêng mình về con đường trở thành VĐV chuyên nghiệp. Cho dù thành công đến mấy, họ cũng phải ưu tiên cho gia đình trước. Quan niệm đó đồng hành với Liêm suốt 20 năm sau đó và trở thành bệ phóng giúp anh thành công đến tận hôm nay.
Có thể nói rằng, cũng rất may cho Liêm và thể thao Việt Nam khi gia đình anh dốc sức đầu tư để con theo nghiệp cờ. Gia đình Liêm đã nỗ lực rất nhiều cho con theo đuổi cờ vua. Thực tế, mỗi năm, Liêm “ngốn” của gia đình hàng trăm triệu đồng. Sự thật, đã có thời điểm gia đình anh tính dừng đầu tư vì kiệt nguồn lực thì rất may, Liêm lại vô địch giải đấu quốc tế nên có kinh phí tiếp tục theo nghiệp cờ.
Và sự khổ luyện của chàng trai 9X cùng với sự đầu tư của gia đình Liêm đã không hề uổng phí. Năm 24 tuổi, Lê Quang Liêm đã bước lên ngôi vị số một thế giới ở nội dung cờ chớp diễn ra tại Nga (6/2013) và đang là đương kim vô địch châu Á.
Sự nghiệp của Lê Quang Liêm: Siêu đại kiện tướng giúp cờ vua Việt Nam rạng danh quốc tế
Trở thành vận động viên chuyên nghiệp, tên tuổi của Lê Quang Liêm nhanh chóng tạo được những tiếng vang lớn trong làng cờ vua Việt Nam cũng như quốc tế.
Năm 2005, 2006, Liêm đã là Quán quân của Giải cờ vua Thế giới cho lứa tuổi 14 – 16. Ngoài ra, Lê Quang anh còn đoạt một số huy chương vàng ở cấp khu vực Đông Nam Á.
Đặc biệt, sau thành tích thi đấu xuất sắc tại giải Olympiad cờ vua thế giới năm 2006 tổ chức tại Ý, thắng 5 đại kiện tướng quốc tế, hòa 3 đại kiện tướng quốc tế khác, Liêm được đặc cách phong lên đại kiện tướng quốc tế.
Năm 2009, tại giải Cờ vua Kolkata mở rộng lần 4 (tháng 9), Lê Quang Liêm đã giành ngôi vô địch với 8 điểm (10 ván đấu), vượt qua nhiều kì thủ nổi tiếng như Short, Mamedyarov, Nghê Hoa,…
Với những thành tích đạt được, trong bảng xếp hạng của FIDE tháng 1 năm 2010, lần đầu tiên Lê Quang Liêm lọt vào top 100 thế giới (hạng 93) với hệ số Elo cao nhất của các kì thủ Việt Nam từ trước đến thời điểm đó (2647) và top 10 kì thủ trẻ thế giới.
Lê Quang Liêm khởi đầu năm 2010 rất thành công khi tham dự 2 giải cờ vua ở Nga bao gồm Moskva mở rộng và Aeroflot. Nhờ vào thành công ở 2 giải đấu này, trong bảng xếp hạng tháng 3 năm 2010 của FIDE, Liêm đã tăng 42 điểm Elo (2689), lọt vào danh sách 50 kỳ thủ hàng đầu thế giới, là kỳ thủ tiến bộ nhất trong top 100. Nhờ những thành tích liên tiếp trong năm, Liêm là một trong 10 vận động viên tiêu biểu Việt Nam 2010.
Trong năm 2011, Liêm cũng được mời tham gia thi đấu cho các câu lạc bộ của Đức (Werder Bremen), Pháp (Evry Grand Roque) và Trung Quốc (Thanh Đảo). Anh tiếp tục được bầu chọn là một trong 10 vận động viên tiêu biểu của Việt Nam năm 2011.
Năm 2012, cuối tháng 8 đầu tháng 9, Liêm giữ vị trí chủ công của đội tuyển Việt Nam tại Olympiad cờ vua thế giới năm 2012. Với thành tích bất bại, anh góp công lớn đưa Việt Nam đạt thành tích cao nhất trong lịch sử là hạng 7 đồng đội nam. Riêng bản thân Liêm có hiệu suất thi đấu lên tới 2787, xếp hạng 5 bàn 1.
Năm 2013, tại Giải vô địch thế giới cờ nhanh và cờ chớp diễn ra tại Nga vào tháng 6, Liêm đã xuất sắc giành chức vô địch nội dung cờ chớp, trở thành nhà vô địch thế giới cờ chớp mới. Với thành tích vô địch cờ chớp thế giới, Lê Quang Liêm xếp thứ hai trong danh sách mười vận động viên Việt Nam tiêu biểu năm 2013.
Sau đó, Liêm nhận được học bổng toàn phần của trường đại học danh giá ở Mỹ. Nói về khoảng thời gian là du học sinh, làm quen với môi trường Đại học Webster, nam kiện tướng cho biết anh sử dụng thời gian tự học nhiều gấp đôi, gấp ba thời gian nghe giảng trên lớp. Thậm chí với quyết tâm của mình, Lê Quang Liêm đăng ký hai chuyên ngành là khoa học tài chính và nghệ thuật, quản lý.
Năm 2015, trong tháng 10 Quang Liêm tham gia giải SPICE Cup 2015 tại Đại học Webster, nơi Liêm theo học. Với thành tích bất bại, Liêm đã giành chức vô địch. Đây là chức vô địch thứ hai của anh tại giải, sau lần đầu tiên năm 2011. Đồng thời Elo của anh cũng đạt mức đỉnh cao cá nhân mới là 2718 trong bảng xếp hạng tháng 11.
Năm 2016, đầu tháng 4, Lê Quang Liêm cùng đồng đội Đại học Webster bảo vệ thành công chức vô địch giải College Final Four. Là đội trưởng đội tuyển, anh đóng góp chính cho chức vô địch của đội khi toàn thắng cả ba ván ở bàn 1. Vì bận tham gia Final Four nên Quang Liêm không dự nội dung tiêu chuẩn ở Giải đồng đội châu Á mà chỉ dự nội dung nhanh và chớp.
Tháng 6, Quang Liêm dự Giải vô địch cờ vua châu Á, xếp hạt giống số 1. Anh bất bại và dẫn đầu đến trước vòng cuối cùng. Tuy nhiên thất bại ở vòng cuối trước Surya Sekhar Ganguly khiến anh chỉ giành được ngôi á quân chung cuộc với 6,5 điểm / 9 ván (+5 =3 –1). Đây là lần đầu tiên Quang Liêm giành được huy chương cấp châu lục.
Lê Quang Liêm khởi đầu năm 2017 với việc tham dự Giải cờ vua quốc tế HDBank vào tháng 3. Sau 9 vòng đấu, anh độc chiếm ngôi đầu và lần thứ ba giành ngôi vô địch HDBank.
Vào đầu tháng 7, Quang Liêm dự giải World Open 2017 với tư cách hạt giống số 1. Đây là giải đấu đầu tiên sau khi anh tốt nghiệp đại học. Anh xếp đồng hạng nhì chung cuộc (sau Tigran L. Petrosian).
Ngay sau đó, cũng trong tháng 7, Quang Liêm dự giải Siêu đại kiện tướng lần thứ 8 tại Đam Châu, Trung Quốc. Sau 9 ván, anh bằng điểm với Đinh Lập Nhân nhưng hơn hệ số phụ, giành ngôi á quân, kém nhà vô địch Vi Dịch 1 điểm.
Từ ngày 14 tới ngày 18/8, Liêm dự giải St. Louis trong hệ thống Grand Chess Tour với tư cách kỳ thủ mời. Tham dự giải đấu có các kỳ thủ chính thức của Grand Chess Tour là Nakamura, Caruana, Aronian, Karjakin, Anand, Nepomniachtchi và các kỳ thủ mời là Kasparov, Dominguez và Navara. Đây là giải đấu chính thức đầu tiên của vua cờ Kasparov sau 12 năm giải nghệ.
Tháng 9/2017, tại Đại hội Thể thao Trong nhà và Võ thuật châu Á 2017, Lê Quang Liêm lập cú hat-trick “vàng” cùng với Nguyễn Thị Ánh Viên giành 2 HCV. Đây là hai gương mặt nổi bật nhất trong bảng vàng thành tích của đoàn Việt Nam tại giải này.
Năm 2019, Quang Liêm tham dự Giải vô địch cờ vua châu Á tại Hình Đài, Trung Quốc vào tháng 6. Sau 9 vòng đấu anh bất bại và lên ngôi vô địch, hơn nhóm tiếp theo nửa điểm. Đây là lần đầu tiên một kỳ thủ Việt Nam vô địch cá nhân nam châu Á.
Tháng 5/2021 vừa qua, Lê Quang Liêm còn đảm nhận vai trò là HLV trưởng đội cờ vua Đại học Webster. Được biết đây là một trong những đội cờ vua được đánh giá mạnh nhất trong số các trường đại học ở Mỹ.
Năm 2022, kỳ thủ Việt Nam đã tạo nên cơn địa chấn khi hạ nhà vô địch World Cup cờ vua người Ba Lan Jan Krzysztof Duda ở vòng năm Oslo Esports Cup diễn ra vào tối 26/4. Sau đó Quang Liêm giành ngôi á quân giải đấu, xếp sau Jan-Krzysztof Duda. Với thành tích này, nam kiện tướng khiến người hâm mộ tự hào và kỳ vọng về ngôi vô địch cho Lê Quang Liêm của mùa giải năm nay.
Sau giải Oslo Esports Cup 2022, Quang Liêm trở về Việt Nam để tham dự Sea Games 31 trên sân nhà, tại đây Lê Quang Liêm đã giành 2 tấm HCV nội dung cờ nhanh, cờ chớp và HCB nội dung cờ chớp cá nhân.
Vào tháng 6, Quang Liêm tham dự giải Praha Chess Festival bảng Masters, anh bất bại toàn giải, giành ngôi á quân sau kỳ thủ người Ấn Độ Pentala Harikrishna.
Quang Liêm là kỳ thủ số một Việt Nam liên tục 15 năm qua, kể từ khi vượt qua Nguyễn Ngọc Trường Sơn. Quan trọng hơn nữa, những cố gắng và nỗ lực của anh đối với nền cờ vua nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung xứng đáng được vang danh hơn nữa, bởi đó không chỉ là niềm tự hào mà còn là động lực cho các thế hệ trẻ Việt Nam trong hành trình đưa tên tuổi của Việt Nam ra đấu trường quốc tế.
Đời tư hạnh phúc của kỳ thủ Lê Quang Liêm
Vốn là một người kín tiếng trong chuyện đời tư, năm 2018, Lê Quang Liêm đã gây sốc cho người hâm mộ khi quyết định nên duyên về một nhà với người bạn gái lâu năm Thanh Trúc. Vì không muốn chuyện riêng của mình trở thành đề tài luận bàn của người hâm mộ, Liêm cùng gia đình đã lựa chọn một đám cưới đơn giản và ấm cúng. Đồng thời cũng chọn cách ít ồn ào nhất để đưa thông tin đến người thân, bạn bè và cả những người luôn ủng hộ Liêm.
Được biết, bà xã của anh là Nguyễn Trần Thanh Trúc. Hiện tại, cô đang là chuyên viên trong lĩnh vực thiết bị giáo dục.
Hình ảnh về chị Thanh Trúc qua lời chia sẻ dè dặt của kỳ thủ số 1 làng cờ vua Việt – là một người con của phố biển Nha Trang, Khánh Hòa. Cả hai quen nhau từ năm 2011 khi tham gia sự kiện thể thao ở thành phố Hồ Chí Minh. Khi đó chị Trúc xuất hiện với vai trò đại diện của công ty tài trợ còn anh Liêm là vận động viên của giải. Bắt đầu chỉ là những câu chuyện giữa những người bạn thân thiết, mãi sau này, mối quan hệ nảy nở giữa những người yêu nhau.
Thế nhưng yêu nhau chưa được bao lâu thì chàng kỳ thủ tài hoa lại lên đường ra nước ngoài học tập. Chuyện tình vừa chớm đã lại phải xa nhau, cặp đôi thường xuyên chịu cảnh yêu xa.
Đại kiện tướng cờ vua nói về chuyện tình cảm của mình: “Quen biết lâu nhưng thời gian chúng tôi dành cho nhau rất ít, không mấy khi được cùng đi xem phim hay du lịch đây đó như những người trẻ yêu nhau khác. Tôi gần như dành cả tuổi thanh xuân cho cờ vua và Trúc hiểu, trân trọng niềm đam mê ấy bởi cô luôn tự hào về người yêu của mình“.
Liêm đã từng chia sẻ về chặng đường 8 năm yêu nhau mà đã có hết 4 năm đằng đẵng đi du học Mỹ (trường Webster). Thời gian đi đi về về giữa Mỹ và Việt Nam rất hiếm hoi mà hầu hết đều dành để thi đấu. Nếu không có sự cố gắng, nỗ lực và hy sinh bởi Thanh Trúc có thể niềm hạnh phúc sau này khó mà đạt được.
Đại kiện tướng từng bộc bạch với ký giả: “Những chuyến du đấu nước ngoài hết tháng này qua tháng khác rồi tiếp đó là 4 năm trời ròng rã tôi theo học Đại học Webster, nếu không có sự đồng cảm sâu sắc từ Trúc, chúng tôi khó mà duy trì mối quan hệ được thử thách bằng nhiều thước đo, nhất là những khoảng cách về thời gian lẫn không gian. Tốt nghiệp Webster, tôi quyết định ở lại Mỹ, đăng ký các khóa học về quản lý tài chính dự kiến kết thúc vào năm 2020, chỉ hy vọng Trúc tiếp tục vững vàng như suốt 7 năm qua“.
Trên đây là những thông tin tổng hợp về hành trình sự nghiệp đầy khổ luyện và câu chuyện cuộc đời của kỳ thủ số 1 Việt Nam. Hi vọng Lê Quang Liêm luôn giữ vững được đỉnh cao phong độ, tiếp tục thăng hoa trong sự nghiệp, từng bước một chinh phục những đấu trường mới bên cạnh hậu phương vững chắc từ bạn đời Nguyễn Trần Thanh Trúc. Đừng quên theo dõi Tieusu.com để không bỏ lỡ những thông tin mới nhất về người nổi tiếng nhé!