Lê Lựu là một nhà tiểu thuyết đặc biệt của nền văn học nước nhà khi có công bẻ bước ngoặt đổi mới văn học Việt Nam trong những năm 80 ở thế kỷ trước. ‘Cha đẻ’ của những nhân vật đau khổ, bất hạnh trên con đường kiếm tìm hạnh phúc như Núi của ‘Sóng ở đáy sông’ hay Giang Minh Sài của ‘Thời xa vắng’… cuối cùng cũng đã kết thúc hành trình dài ở cõi tạm để đi về nơi miền xa vắng trong sự tiếc thương, ngậm ngùi của bao thế hệ độc giả. Vậy hãy cùng chúng tôi nhìn lại hành trình ấy để thấu hiểu hơn về sự nghiệp và những bi kịch khốn khổ cuối đời của một nhà văn tài ba trong bài viết tiểu sử của nhà văn Lê Lựu dưới đây nhé.
Thông tin chung
Tên thật | Lê Lựu |
Năm sinh | 12/12/1942 |
Năm mất | 09/11/2022 |
Quê gốc | Hưng Yên |
Nghề nghiệp | Nhà văn |
Năm hoạt động | Từ năm 1970 |
Giải thưởng | Giải nhì báo Văn nghệ năm 1968 (truyện ngắn “Người cầm súng”). Giải A Hội nhà văn Việt Nam năm 1990 (tiểu thuyết “Thời xa vắng”). Giải thưởng Nhà nước về văn học – nghệ thuật đợt 1 |
Tác phẩm nổi bật | Sóng ở đáy sông, Thời xa vắng, Mở rừng, Người cầm súng… |
Hôn nhân | Hoàng Thị Mỹ (kết hôn ?–1974) |
Liên hệ | Đang cập nhật |
Mạng xã hội | Đang cập nhật |
Nhà văn Lê Lựu là ai?
Nhà văn Lê Lựu sinh ngày 12/12/1942 tại Xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Lê Lựu lớn lên trong một làng quê nghèo đói ở miền Bắc. Ông sống và làm việc chủ yếu ở Thành phố Hà Nội.
Lê Lựu là một nhà văn tài năng với hàng loạt những tác phẩm ấn tượng được rất nhiều người yêu thích. Ông là thành viên của Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1974, cũng là Giám đốc Trung tâm Văn hóa Doanh nhân tại Hà Nội. Nhà văn từng đoạt giải nhì báo Văn nghệ năm 1968 cho truyện ngắn Người cầm súng, giải A Hội nhà văn Việt Nam 1990 cho tiểu thuyết Thời xa vắng. Lê Lựu cũng được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học – nghệ thuật đợt 1.
Sinh thời, Lê Lựu từng tham gia cuộc kháng chiến giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Ông từng làm phóng viên báo Quân khu Ba, phóng viên mặt trận tại chiến trường 559. Nhà văn theo học Trường Bồi dưỡng viết văn Quảng Bá (của Hội Nhà văn Việt Nam), làm biên tập viên, Trưởng ban văn xuôi, Thư ký tòa soạn tạp chí Văn nghệ quân đội. Nhà văn Lê Lựu trở thành nhà văn quân đội mang quân hàm Đại tá.
Trong gần 60 năm cầm bút, với hơn 40 đầu sách Lê Lựu đã để lại cho nền văn học Việt Nam một tài sản khổng lồ. Ông đã đóng góp cho nền văn chương nước nhà nhiều tác phẩm kinh điển – nói như nhà văn Nguyễn Quang Thiều – làm rung động đời sống văn học Việt Nam.
Những tác phẩm với giá trị nghệ thuật lớn, có ảnh hưởng và sức lan tỏa của ông có thể kể đến như: Mở rừng, Đại tá không biết đùa, Chuyện làng Cuội… Đặc biệt, hai tác phẩm của ông được chuyển thể thành phim truyền hình và điện ảnh vô cùng thành công, được khán giả biết đến rộng rãi là Sóng ở đáy sông và Thời xa vắng.
Đặc biệt, với Thời xa vắng, Lê Lựu thay đổi đời sống văn học Việt Nam trong những năm 1980 của thế kỷ trước. Tư tưởng của Thời xa vắng là bước ngoặt của văn học Việt Nam kể từ 1954. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – nhận định tiểu thuyết Thời xa vắng là tác phẩm lớn với thông điệp con người chỉ là người đúng nghĩa khi được sống là chính họ chứ không phải sống bằng những giá trị của người khác.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – là một trong những người thân thiết với nhà văn Lê Lựu. Đối với nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Lê Lựu là nhà văn lớn, xuất sắc viết về nông thôn. “Anh là nhà văn của những người cùng khổ, những người nông dân chân lấm tay bùn. Anh viết rất giản dị, sâu sắc và là người có sự am hiểu nông thôn đến tận cùng. Lê Lựu không chỉ viết về nông thôn, nông dân mà là viết về chính mình. Đây là điểm đặc sắc trong văn chương của anh”, nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.
Hành trình sự nghiệp tỏa sáng của nhà văn Lê Lựu
Đầu những năm 60, Lê Lựu chính thức lên đường nhập ngũ. Cũng chính từ đây ông đã bắt đầu chứng kiến được những sự đổi mới của đất nước cùng với lòng nhiệt huyết có trong ông đã thôi thúc nhà văn cầm bút để ghi lại.
Ban đầu ông làm báo ở quân khu III. Sau một thời gian được chuyển công tác về đường dây 559 Trường Sơn. Khi chiến tranh kết thúc ông về làm việc tại tòa soạn không chỉ với vai trò là một biên tập viên mà ông còn sáng tác.
Tài năng văn xuôi của nhà văn Lê Lựu khởi phát khi ông mới ngoài 20 tuổi. Thời kỳ khi mới sáng tác, nhà văn Lê Lựu cũng đã gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trải qua một thời gian dài luyện tập ông đã trở thành một trong những nhà văn nổi tiếng được nhiều người ngưỡng mộ. Tác phẩm của ông cũng ngày càng để lại trong lòng khán giả những ấn tượng sâu sắc bởi nội dung luôn mang tính nhân văn cao.
Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình ông đã có rất nhiều tác phẩm nổi bật. Trong đó phải kể đến những tác phẩm vô cùng nổi tiếng như Mở rừng, Đại tá không biết đùa, Sóng ở đáy sông, Chuyện làng Cuội, Một thời lầm lạc, Thời xa vắng,…
Trong cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ năm 1967 – 1968, ông đã đoạt giải nhì (không có giải nhất) với truyện ngắn Người cầm súng. Đặc biệt, tiểu thuyết ‘Thời xa vắng’ gắn liền với tên tuổi ông đã được trao Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1984, tác phẩm khắc họa số phận con người trong và sau chiến tranh. Đây cũng chính là một bước ngoặt lớn giúp thay đổi đời sống nền văn học Việt Nam. Tác phẩm đã truyền tải những thông điệp, những giá trị cuộc sống vô cùng ý nghĩa.
Tác phẩm này cùng với Sóng ở đáy sông đã được chuyển thể thành phim truyền hình và điện ảnh vô cùng thành công. Cũng từ đó mà tên tuổi của ông được đông đảo giới văn và công chúng nhiều thế hệ biết đến hơn. Đặc biệt ông còn đạt được rất nhiều giải thưởng cao quý và trở thành cây bút tiên phong mở đầu cho thời kỳ đổi mới văn học giai đoạn những năm 80 của thế kỷ trước.
Năm 1988, Lê Lựu cũng là nhà văn Việt Nam đầu tiên đến Mỹ sau chiến tranh. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói nếu không phải sự chân thành, nồng nhiệt, sâu sắc trong cách nhìn cuộc đời của Lê Lựu khiến ông – lúc đó đại diện cho văn chương Việt Nam – chiếm được cảm tình của đông đảo giáo sư, sinh viên, cựu binh Mỹ thì sau đó khó mà đạt được mối giao hảo mạnh mẽ giữa người Mỹ và các nhà văn Việt Nam như đã diễn ra. Sau Lê Lựu, rất nhiều nhà văn Việt Nam được mời sang Mỹ.
Ngày 25 tháng 2 năm 2014, nhà văn người Hưng Yên cũng đã thành lập Quỹ Văn học Lê Lựu, đây được coi là Quỹ văn học đầu tiên mang tên một nhà văn còn sống thời điểm đó, nhằm khích lệ sáng tác của thế hệ nhà văn trẻ.
Xuất thân từ người nông dân, cả đời nhà văn Lê Lựu dành sự trăn trở cho đề tài nông nghiệp – nông thôn – nông dân. Cũng bởi vậy, những nhân vật của ông ghi dấu trong tâm khảm của nhiều thế hệ độc giả. “Ngẫm ra, suốt đời văn của mình, Lê Lựu chỉ viết về người nhà quê trong người mình và những người quanh mình, dù cho họ có sống ở thị thành bao năm đi nữa. Có lẽ vinh quang, thành công và cả cay đắng của Lê Lựu trong đời và văn cũng là từ đấy“, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên bày tỏ.
Bi kịch đời tư của một tài hoa
Một nhà văn có sự nghiệp lẫy lừng, bạn bè quý trọng, bạn đọc mến mộ, nhưng trong chính gia đình của mình, Lê Lựu lại trở thành người chồng bị coi nhẹ, người cha bị các con ghẻ lạnh. Thật trớ trêu khi dường như tất cả những điều bi kịch trong cuốn tiểu thuyết về nhân vật Giang Minh Sài đã ứng nghiệm vào cuộc đời của ông một cách vô cùng kinh ngạc và đau đớn bội phần.
Trải qua hai đời vợ, có 3 người con nhưng những năm cuối đời, nhà văn Lê Lựu lại cô quạnh một mình tự xoay xở với bệnh tật dày vò và bản thân không cửa không nhà phải tá túc ở trụ sở cơ quan – Trung tâm Văn hóa Doanh nhân, nơi ông làm giám đốc. Thật khó có thể ngờ một văn tài như Lê Lựu lại ở trong tình cảnh bi đát khi ông hứng trọn bi kịch của một đời người đó là: Tuổi già, sự cô đơn và bệnh tật.
Được biết, nhà văn ly hôn người vợ đầu từ 40 năm trước. Sau khi ly hôn, ông lên Hà Nội thì ở quê, vợ ông âm thầm làm thủ tục đứng tên sổ đỏ ngôi nhà hương hỏa của ông, để đến giờ, ông muốn một chốn đi về thắp hương cho tổ tiên cũng khó.
Đến năm 2006, sức khỏe của nhà văn bắt đầu suy yếu, ông thường xuyên ra vào bệnh viện với vài lần tai biến cùng với đó là mắc đủ thứ bệnh như tiểu đường, bệnh tim, bệnh gút, phổi, tụy, thận, tiền liệt tuyến….
Rồi người vợ thứ 2 của ông cũng đã ly thân nhiều năm nay và đang trong quá trình giải quyết ly hôn. Năm 2009, ông phải nằm viện sau cơn tai biến mạch mãu não lần thứ ba. Trong lúc vật lộn giữa ranh giới của sự sống và cái chết, người vợ 2 đã mang giấy ly hôn đến để ông ký; còn hai đứa con chỉ chầu chực chờ bố cho phép bán căn nhà 50 mét vuông ở phố Lý Nam Đế.
Không muốn mất đi nơi ở đã gắn bó với mình suốt 20 năm và cũng mong níu kéo chút tình cảm của các con, nhà văn đã đưa ra một điều kiện đau đớn. Nếu các con ký giấy cam kết không liên quan gì đến bố nữa, thì ông sẽ đồng ý bán nhà. Không ngờ, hai đứa con ký luôn vào tờ giấy từ bố đẻ.
Nhà bán, vợ bỏ, con từ, Lê Lựu thua trắng, mất trắng, niềm ao ước “thèm một gia đình êm ấm” suốt cuộc đời của ông chẳng thể thành. Niềm an ủi duy nhất của Lê Lựu những ngày đau đớn nhất lúc đó là đứa con gái của ông với người vợ đầu – người vợ mà ông chỉ kết hôn vì gia đình sắp đặt.
“Tôi thương nó lắm, ngày đó làm việc xong tối nó đi 30 cây số lên chăm bố xong, sáng sớm hôm sau nó lại về. Suốt một tháng giời đi đi lại lại chăm bố trong viện. Còn mấy đứa con bà hai đến thì chỉ bàn bán nhà“, Lê Lựu từng nghẹn ngào kể lại.
Ngẫm về cuộc đời mình, nhà văn Lê Lựu từng nói: “Thằng Núi trong Sóng ở đáy sông cũng đi tìm được chỗ đứng của nó, đến thằng Sài trong Thời xa vắng nó khốn khổ như thế mà cũng chưa khổ bằng tôi. Tôi đúng là bố của chúng nó về nhục nhã, mất mát“.
Tuổi già, mang trong mình nhiều bệnh tật, cuộc sống vật chất thiếu thốn nhưng đối với nhà văn Lê Lựu, điều đó chẳng còn quan trọng nữa, ông chẳng ‘cần ai ủng hộ hay thương hại’. Mong mỏi lớn nhất của nhà văn luôn là hướng về mảnh đất quê hương mà tổ tiên để lại. Đến cuối đời, nhà văn ấy vẫn đang đấu tranh cho sự trở về của mình.
“Nhiều người tìm đến vì nghĩ tôi khổ, cần tiền ủng hộ nhưng tôi không cần ai thương hại. Tôi cũng từ chối những lời đề nghị chụp ảnh về cuộc sống của tôi. Tôi thấy mình trong những bức ảnh cũng thật đáng thương hại. Với tôi điều mong mỏi lớn nhất là mong được trở về căn nhà tổ tiên ở Hưng Yên để được thắp một nén hương cho ông bà, mà không bị ai cản trở…“, nhà văn từng xúc động chia sẻ.
Nhà văn Lê Lựu đã yên nghỉ nơi miền xa vắng
Sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật, phải nằm liệt một chỗ, vừa qua vào 16h ngày 9/11 nhà văn thiên tài của Việt Nam Lê Lựu đã qua đời tại nhà riêng ở Tân Châu, Hưng Yên. Hưởng thọ 81 tuổi.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng cho biết vài ngày trước khi mất ông đến thăm nhà văn Lê Lựu đã rơi vào tình trạng bất tỉnh, không còn biết gì nữa. Có thể nói, sự ra đi của ông đã khiến nhiều người vô cùng thương tiếc. Ông Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng vô cùng đau xót khi một nhà văn có những cống hiến lớn lao cho nền văn học Việt Nam ra đi mãi mãi. Hiện tại, gia đình cùng người thân đang lo liệu cho tang lễ của cố nhà văn.
Trên đây là một số thông tin mà 35Express đã chia sẻ đến bạn để bạn hiểu hơn về Nhà văn Lê Lựu là ai? Một nhà văn thiên tài của nền văn học Việt Nam. Để cập nhật những tin tức mới nhất về người nổi tiếng cũng như những tin tức liên quan khác thì hãy thường xuyên theo dõi và đọc các bài viết trên trang nhé!